• Điện thoại: (+84-238) 3855322
  • Fax: (+84-238) 3855527
  • Hotline: 0904113354

Chức năng, nhiệm vụ Đại diện Cửa Lò

Thứ Năm, 03/01/2019, 14:30 GMT+7

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ ĐẠI DIỆN CỬA LÒ

 

        1. Vị trí, chức năng

         - Đại diện Cảng vụ hàng hải Nghệ An tại Cửa Lò (sau đây gọi là Đại diện Cửa Lò) là đơn vị trực thuộc Cảng vụ hàng hải, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hàng hải tại một hoặc nhiều khu vực hàng hải theo quy định pháp luật và phân cấp quản lý của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

        - Đại diện Cửa Lò có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở làm việc theo định mức sử dụng tài sản nhà nước hiện hành.

        2. Nhiệm vụ

        2.1. Tổ chức thường trực 24/7 tại các khu vực được giao quản lý để thực hiện các nhiệm vụ sau:

        - Tiếp nhận thông tin, dự kiến kế hoạch điều động, bố trí vị trí neo đậu cho tàu thuyền vào, rời vùng nước cảng biển tại khu vực, thông báo cho Phòng Pháp chế để lập kế hoạch chung cho toàn bộ cảng biển.

        - Giải quyết thủ tục tàu thuyền vào, rời vùng nước cảng biển tại khu vực hàng hải theo qui định.

        - Xem xét, chấp nhận các đề nghị của tàu thuyền, doanh nghiệp về hạ xuồng cứu sinh; sửa chữa, bảo dưỡng; lặn khảo sát; trục vớt tài sản chìm đắm; cung ứng hoa tiêu.

        - Tiếp nhận, xử lý thông tin về tai nạn, sự cố hàng hải và tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển tại khu vực hàng hải; tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải theo phân cấp quản lý.

        - Thực hiện thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải theo quy định;

        - Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật hàng hải đối với tổ chức, cá nhân và tàu thuyền tham gia hoạt động hàng hải tại khu vực hàng hải.

        - Thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy quyền của Giám đốc.

        2.2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật Hàng hải Việt Nam, các điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.

        2.3. Tham gia: sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hàng hải; nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển khu vực hàng hải theo quy định quản lý; góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xử lý các văn bản liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ được giao và các qui định, quy chế của đơn vị.

        2.4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật hàng hải đối với tàu thuyền, các doanh nghiệp khai thác cảng, hoa tiêu hàng hải, vận tải biển và các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải khác tại khu vực hàng hải theo quy định.

        2.5. Tham mưu cho Gíam đốc Cảng vụ trong việc chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại khu vực hàng hải theo quy định.

        2.6. Giải quyết theo thẩm quyền được giao và theo sự  phân cấp quản lý của Giám đốc đối với một số vấn đề pháp luật khác phát sinh từ các hoạt động hàng hải tại khu vực hàng hải theo quy định.

        2.7. Phát hiện, lập biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; phối hợp, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

        2.8. Phối hợp thực hiện công tác phòng chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển tại khu vực hàng hải theo quy định.

        2.9. Tham gia giải quyết sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra tại khu vực hàng hải được giao quản lý.

        2.10. Tổ chức thu, nộp phí, lệ phí hàng hải, các loại phí, giá dịch vụ... mà đơn vị thu hộ theo qui định của pháp luật, quy trình, quy tắc kiểm soát thu của cơ quan.

        2.11. Quản lý các khoản chi theo phân cấp và ph­ương án khoán chi của đơn vị.

        2.12. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo các số liệu, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về hàng hải.

        2.13. Quản lý, điều động phư­ơng tiện, thiết bị, tài sản được giao phục vụ hoạt động quản lý của Đại diện.

        2.14. Phối hợp với các phòng nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ có liên quan và thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc.

        3. Cơ cấu tổ chức

        3.1. Đại diện Cửa Lò được sử dụng con dấu riêng của Đại diện khi lãnh đạo Đại diện ký văn bản.

        3.2. Biên chế của Đại diện Cửa Lò gồm có Trưởng Đại diện, Phó Trưởng Đại diện theo quy định và các công chức, viên chức, người lao động do Giám đốc quyết định trong tổng số biên chế hành chính được giao của Cảng vụ.

        3.3. Trưởng Đại diện do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải và theo quy định của pháp luật.

        3.4. Phó Trưởng Đại diện do Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Đại diện và theo quy định của pháp luật.

        4. Nguyên tắc hoạt động

        4.1. Giám đốc điều hành hoạt động của Đại diện chủ yếu thông qua Trưởng Đại diện.

        4.2. Trưởng Đại diện điều hành hoạt động của Đại diện theo chế độ thủ trưởng. Trưởng Đại diện chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về những công việc được phân cấp quản lý.

        4.3. Phó Trưởng Đại diện giúp việc Trưởng Đại diện, trực tiếp chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ theo phân công của Trưởng Đại diện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đại diện, trước Giám đốc và trước pháp luật về phần việc đó./.